largeer

Minh  Tiến

Minh Tiến

2022-10-18 13:57:00

Hơn 10 năm mòn mỏi đợi vì đi không được, ở thì khó khăn vì dự án "treo"

Việc bồi thường giải phóng mặt bằng không được triển khai khiến cho hơn 350 hộ dân sống trong vùng dự án phải chịu nhiều thiệt thòi. Cụ thể, đất không thể sang nhượng, khó chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhà cửa xuống cấp không thể sửa chữa, xây mới, không được chia tách cho người thân… Người dân ngóng ngày đêm khi nào dự án hết “treo”?

Khu liên hợp Công nông nghiệp ở H.Xuân Lộc được quy hoạch thành 4 phân khu: 3A, 3B, 3C và 3D có tổng diện tích gần 1,9 ngàn ha. Dự án nằm trên địa bàn các xã: Xuân Tâm, Xuân Thành, Xuân Hưng và Xuân Bắc.

Dự án Khu liên hợp Công nông nghiệp có 2 phân khu 3B và 3C nằm trên địa bàn xã Xuân Tâm với diện tích hơn 1,1 ngàn ha. Trong đó, chủ dự án đã bồi thường giải phóng mặt bằng được gần 570ha. Phần diện tích còn lại chưa thu hồi đất có hơn 350 hộ dân đang sinh sống. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, việc bồi thường giải phóng mặt bằng không được triển khai nên người dân sống trong vùng dự án phải chịu nhiều thiệt thòi. Cụ thể, đất không thể sang nhượng, khó chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhà cửa xuống cấp không thể sửa chữa, xây mới, không được chia tách cho người thân…

Báo Đồng Nai ngày 18/10 có bài viết: "Người dân khổ vì dự án treo"

234
134
15

Phó chủ tịch UBND xã Xuân Tâm Phan Văn Hải cho biết: “Nhiều năm nay, mỗi khi tiếp xúc cử tri người dân đều kiến nghị về dự án và yêu cầu phải sớm có hướng giải quyết cụ thể. Từ năm 2009 đến nay, người dân trong vùng dự án không thể sang nhượng, tặng cho đất hay chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên rất khó khăn. Nếu đất đai không thuộc dự án, người dân sẽ chuyển sang trồng các loại cây khác hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều, thay vì chỉ trồng điều, tràm như hiện nay”.

Dự án Khu liên hợp Công nông nghiệp chủ đầu tư là Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai. Sở dĩ dự án kéo dài nhiều năm là do vướng ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cụ thể, giai đoạn 2011-2013, giá đất bồi thường tại thời điểm đó cao hơn giá bên ngoài người dân sang nhượng với nhau. Do đó, chủ đầu tư tính toán nếu thu hồi đất và bồi thường với giá đó, sau khi làm hạ tầng kỹ thuật sẽ khó tìm nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất. Còn phần diện tích đã thu hồi lại nằm rải rác, không liền khoảnh nên chủ đầu tư không thể tiến hành xây dựng được.

Mới đây, trong đợt giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai cho biết: “Năm 2018, Tổng công ty đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh hủy bỏ khu vực 3B, 3C và thu hồi lại hơn 500ha đất công vì hoạt động không hiệu quả, đất bồi thường da beo, không thể triển khai dự án”.

Thế nhưng, trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, khu vực trên vẫn được quy hoạch dự án Khu liên hợp Công nông nghiệp nên nhiều người dân vẫn mòn mỏi đợi vì đi không được, ở thì khó khăn.