largeer

Minh Vy

Minh Vy

2022-10-31 09:49:00

Dự án nhà ở thấp tầng: Sợ nhất cảnh người mua "nhà ngoại" phải đi căng băng rôn

Dự án nhà ở thấp tầng thuộc Khu chức năng đô thị Tây Tựu của chủ đầu tư Xây dựng Xuân La vừa được đưa vào danh sách 23 dự án ở Hà Nội được phép bán cho người nước ngoài. Nhìn vào bức tranh tài chính của Xây dựng Xuân La, em lại toát mồ hôi nghĩ đến cảnh người mua nhà ngoại phải căng băng rôn.

Trong làng bất động sản, em sợ nhất cảnh người mua nhà phải căng băng rôn đòi quyền lợi của mình. Cực chẳng đã họ mới phải làm như vậy, chứ có ai muốn mất thời gian, công việc để chường mặt ngoài đường đâu. Người mua nhà “nội” đã nhọc, người mua nhà “ngoại” còn mệt hơn rất nhiều ấy nhỉ.

Tại sao em lại đề cập đến viễn cảnh này? Là vì em vừa đọc danh sách 23 dự án ở Hà Nội được phép bán cho người nước ngoài. Em thì nghĩ đơn giản, cứ cái gì liên quan đến “Tây” là phải cẩn trọng hơn, yêu cầu chủ đầu tư cũng cao hơn. Mà một vài chủ đầu tư trong danh sách này em thấy úi xời phết.

Phối cảnh Dự án nhà ở thấp tầng thuộc Khu chức năng đô thị Tây Tựu của chủ đầu tư Xây dựng Xuân La

Phối cảnh Dự án nhà ở thấp tầng thuộc Khu chức năng đô thị Tây Tựu của chủ đầu tư Xây dựng Xuân La

Chủ đầu tư Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng Xuân La là ví dụ điển hình. Xây dựng Xuân La là chủ đầu tư dự án nhà ở thấp tầng thuộc Khu chức năng đô thị Tây Tựu. Cái tên này vừa lọt vào danh sách 23 dự án em vừa đề cập ở trên.

Vì sao em lại hình dung ra cảnh người mua nhà ngoại có nguy cơ đi căng băng rôn? Là vì chủ đầu tư có vài vấn đề sau.

Vốn trăm tỷ, chỉ có… 6 người lao động

Công ty Xây dựng Xuân La thành lập năm 2016. Nghĩa là đến thời điểm hiện tại, công ty đã có 6 năm kinh nghiệm. Cùng với thời gian, công ty mạnh tay tăng vốn điều lệ. Và tất cả đều tập trung trong năm 2021.

Cụ thể, ngày 3/8/2021, vốn điều lệ Xây dựng Xuân La tăng từ 135 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Chỉ sau đó khoảng nửa tháng, tới ngày 26/8/2021, vốn điều lệ công ty tăng lên 780 tỷ đồng.

Danh sách cổ đông của Xây dựng Xuân La ở thời điểm hiện tại không được tiết lộ. Chỉ biết rằng ở thời điểm thành lập, cơ cấu cổ đông của công ty bao gồm: ông Đoàn Danh Hưng (sở hữu 30% vốn điều lệ, tương đương 40,5 tỷ đồng), ông Đặng Ngọc Hùng (sở hữu 40% vốn, tương đương 54 tỷ đồng), ông Nguyễn Minh Đức (sở hữu 30% vốn, tương đương 40,5 tỷ đồng).

Điều đặc biệt ở chỗ, dù có vốn hàng trăm tỷ đồng nhưng quy mô nhân sự của Xây dựng Xuân La vô cùng mỏng, chỉ… 6 người.

Không phát sinh doanh thu

Nói theo giọng kế toán, kiểm toán thì Xây dựng Xuân La bị nghi ngờ “khả năng hoạt động liên tục”. Đấy là em nói vui nhưng không phải không có cơ sở nhé vì kể từ khi thành lập cho đến năm 2021, công ty chưa bao giờ phát sinh doanh thu.

Không phát sinh doanh thu đã đành, chi hoạt động cũng phát sinh rất ít. Chính vì thế, các khoản thua lỗ mà Xây dựng Xuân La phải gánh cũng “siêu bé mini”, chỉ là 5,3 triệu đồng (năm 2017), 3,2 triệu đồng (năm 2018), 8,8 triệu đồng (năm 2019), 760 triệu đồng (năm 2020).

Các con số này có vẻ cũng “khớp” với thông tin tổng người lao động chỉ là 6 của Xây dựng Xuân La.

Dự án “nằm” ở KienlongBank

Cái này mới quan trọng này. Dự án chả biết xây dựng đến đâu rồi nhưng đã “nằm” ở KienlongBank rồi ạ.

Ngày 27/9/2021, Xây dựng Xuân La ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Kiên Long – Chi nhánh Hà Nội.

Tài sản thế chấp là toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ dự án Nhà ở thấp tầng tại ô đất TT6-2 thuộc quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Tây Tựu, tỷ lệ 1/500, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Xuân La làm chủ đầu tư.

Hà Anh