largeer

Saigon 247

Saigon 247

2021-08-21 22:15:00

Doanh nghiệp FDI ở TP.HCM than mất đơn hàng trăm triệu USD

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM cho biết gặp nhiều khó khăn trong thực hiện "3 tại chỗ", đảm bảo nguồn nhân lực để duy trì hoạt động sản xuất.

UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn TP.

Hội nghị nhằm chia sẻ, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn của DN có vốn nước ngoài trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng thời để TP đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại,

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh TP là đô thị đặc biệt với dân số đông. Chính vì vậy, trong thời gian qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng lên nhiều khía cạnh của đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Tổng cục Thống kê dự báo, GRDP của TP.HCM năm 2021 có khả năng âm thay vì dương như năm 2020, rất nhiều các chỉ tiêu khác cấu thành GRDP cũng khó đạt được. Các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nhiệp chịu ảnh hưởng mạnh. Hoạt động của các DN, trong đó các DN FDI gặp nhiều khó khăn. Hàng chục nghìn DN đã phải đóng cửa, kéo theo đó hàng trăm nghìn lao động tạm thời thất nghiệp.

Ông Võ Văn Hoan đánh giá nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất là rất lớn, nếu không có giải pháp kịp thời.

Tốn cả trăm tỷ mỗi tháng duy trì sản xuất

Ông Trần Tiến Phát, Tổng giám đốc Công ty Datalogic Việt Nam cho biết doanh nghiệp có 831 nhân viên nhưng đến ngày 20/8 chỉ có 502 người đang làm việc theo mô hình “3 tại chỗ” và “2 địa điểm, 1 cung đường”. Doanh số công ty đã sụt giảm từ 18,5 triệu USD trong tháng 6 xuống 11 triệu USD trong tháng 7 vừa qua. Số lượng nhân lực lao động giảm còn 60% và doanh số giảm 40% so với trước.

Ông Phát khẳng định đây là sự sụt giảm không theo quy tắc vì những lao động bị thiếu là công nhân có tay nghề cao, dây chuyền sản xuất không thể dễ dàng điền người khác vào trong thời gian ngắn. Người có kinh nghiệm thường là người có gia đình và họ không thể bỏ cha mẹ già hay con trẻ để vào nhà máy làm việc theo mô hình “3 tại chỗ”.

Nhiều doanh nghiệp mất cả trăm tỷ đồng/tháng tiền xét nghiệm cho công nhân khi thực hiện 3 tại chỗ. Ảnh: Việt Linh.

Nhiều doanh nghiệp mất cả trăm tỷ đồng/tháng tiền xét nghiệm cho công nhân khi thực hiện 3 tại chỗ. Ảnh: Việt Linh.

Với người lao động đang tham gia “3 tại chỗ” thì tình hình khá hơn là có chỗ ăn, chỗ nghỉ ngơi và có thu nhập do còn đi làm nhưng đời sống tinh thần không được như mong đợi.

Là nhà máy sản xuất chiếm đến 64% giá trị xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP.HCM trong 6 tháng đầu năm, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Intel Việt Nam và Malaysia cho biết chi phí dành cho phương án "2 địa điểm, 1 cung đường" của doanh nghiệp trong thời gian qua đã phát sinh 140 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách và kế hoạch sản xuất của công ty trong dài hạn.

Ông Lê Hữu Bình, đại diện Công ty Jabil Việt Nam với nhà máy trong Khu công nghệ cao cũng cho biết chi phí phát sinh khi thực hiện "2 địa điểm, 1 cung đường" trung bình mỗi ngày là 4 tỷ đổng, tương đương 120 tỷ đồng mỗi tháng. Nhiều đối tác đã hủy đơn hàng để chuyển sang các nhà máy tại Mexico hay Ấn Độ, giá trị hợp đồng mất khoảng 200 triệu USD, dẫn đến rủi ro thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam.

Là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam, dù không áp dụng "3 tại chỗ", Tập đoàn AEON Việt Nam cho biết đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến nhân lực.

"Hiện công ty chúng tôi có nhiều trường hợp người lao động do đang sinh sống trong các vùng cách ly y tế, bị nghi nhiễm Covid-19, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực vận hành hoạt động kinh doanh hàng ngày và thiếu hụt lực lượng giao hàng. Bên cạnh đó là các khó khăn trong việc giao hàng liên quận", ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam nói.

Linh hoạt nguồn cung vaccine

Chia sẻ mong muốn của doanh nghiệp, đại diện Intel Việt Nam kỳ vọng TP.HCM tiếp tục ưu tiên tiêm mũi 2 vaccine cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất để sớm có miễn dịch cộng đồng trong khu vực này, tạo ra khu vực sản xuất xanh và kéo năng suất sản xuất trong quý 4 của các doanh nghiệp tại đây đi lên.

Tương tự, đại diện AEON Việt Nam kiến nghị tiếp tục hỗ trợ ưu tiên phân bổ và tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động đang làm việc tại các hệ thống bán lẻ phân phối hàng hóa thiết yếu trong TP. Ngoài ra, ông Furusawa Yasuyuki kiến nghị các cơ quan và đơn vị y tế giảm giá dịch vụ xét nghiệm cho nhân viên, qua đó giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp.

TP.HCM được đề nghị tạo điều kiện hợp tác nhiều hơn với các nhà cung cấp dịch vụ y tế tư nhân trong việc triển khai vaccine. Ảnh: Thạch Thảo.

TP.HCM được đề nghị tạo điều kiện hợp tác nhiều hơn với các nhà cung cấp dịch vụ y tế tư nhân trong việc triển khai vaccine. Ảnh: Thạch Thảo.

Theo đánh giá của bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam, mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" đã tỏ ra hữu ích như một cơ chế tạm thời, nhưng không có tính bền vững để đảm bảo sức khỏe, an toàn, chi phí hoặc quan điểm thực tế.

"Chúng tôi đánh giá cao sự ưu tiên của chính quyền đối với công nhân tại các khu công nghiệp và việc tiêm chủng cho nhiều công nhân tại SHTP, Hepza và các khu công nghiệp khác. Cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo có thể duy trì sản xuất và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở lại các hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng tổng thể của Việt Nam - trong nước và toàn cầu", bà Mary Tarnowka nhấn mạnh.

Đại diện Amcham kêu gọi Chính phủ tập trung phân phối vaccine đến các tâm điểm bùng phát dịch hiện tại, đặc biệt là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận, những địa điểm có nhiều hoạt động sản xuất hàng hóa giá trị cao của Việt Nam. TP.HCM được đề nghị tạo điều kiện hợp tác nhiều hơn với các nhà cung cấp dịch vụ y tế tư nhân trong việc triển khai vaccine.

"Nhiều nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe là thành viên của Amcham, bao gồm Bệnh viện FV, Phòng khám Quốc tế SOS, Bệnh viện Quốc tế City và Victoria Healthcare, đã tình nguyện hỗ trợ nhân viên để hỗ trợ tiêm chủng tại TP.HCM. Chúng tôi khuyến nghị rằng họ cũng nên được phép phân phối vaccine tại cơ sở của mình và có thể tính phí hành chính hợp lý", bà Mary Tarnowka bổ sung thêm.

Chủ tịch Eurocham, ông Gabor Fluit đã đưa ra đề nghị sửa đổi mô hình "3 tại chỗ" theo hướng phù hợp và hiệu quả hơn. Ví dụ cho phép công nhân được luân chuyển và kiểm soát dịch bằng cách test PCR trước khi vào, ra nhà máy. Về vấn đề vaccine, hiệp hội này khuyến nghị cần tiêm vaccine diện rộng, ưu tiên ngành logistics để giúp các cảng có đủ công nhân bốc xếp, giải tỏa cảng nhanh.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore (SBG) - ông Seck Yee Chung - cũng cho rằng cần thống nhất tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệm Covid-19 và thời gian có hiệu lực của chứng nhận xét nghiệm giữa TP.HCM và các tỉnh thành khác để đảm bảo thông suốt về lưu thông hàng hóa.