largeer

An Nhiên

An Nhiên

2021-07-09 12:33:00

Chị ong nâu sốt rần rần MXH và trào lưu cover 'lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia'

Chỉ với 4 câu hát trong ca khúc thiếu nhi “Chị ong nâu và em bé” nhưng được hát theo phong cách da diết như nhạc phim Hàn Quốc, mạng xã hội mấy ngày qua “rần rần” các phiên bản cover khiến nhiều người thích thú.

12

Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng thi nhau bắt "trend" như Ninh Dương Lan Ngọc, Hoàng Thùy, Trang Hý...Các từ khóa như "chị ong nâu nấu nầu nâu", "chị ong nâu remix", "chị ong nâu chế"... được tìm kiếm nhiều trên mạng xã hội những ngày qua.

Trào lưu này bắt nguồn từ việc kênh YouTube Hwang Cho đăng tải một video hát nhép trên nền nhạc "chị ong nâu nấu nầu nâu" với nét diễn thất tình buồn bã. Giọng hát gốc là của Soi Nguyễn, sinh năm 1998, đang học năm cuối tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

34

Vốn là ca khúc thiếu nhi quen thuộc, Chị ong nâu và em bé bỗng được khoác lên mình phong cách thất tình não nề, da diết. "Lần đầu nghe nhạc thiếu nhi mà không biết nên buồn hay nên vui", một khán giả bình luận.

Giọng hát trong phiên bản "tái chế" này là của cô gái tên Soi Nguyễn. Sau một đêm bỗng nổi đình nổi đám của Chị ong nâu và em bé là hàng loạt ca khúc khác nhau, trong nước lẫn quốc tế, được dân mạng làm mới lại.

Trước đó phiên bản ballad của Chú voi con ở Bản Đôn do nhóm nhạc Acoustic Củ Chi biểu diễn cũng từng làm được điều tương tự. Công thức "lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia" đang trở thành nguồn vui của không ít cư dân mạng trong những ngày bệnh dịch căng thẳng.

Cũng là Chị ong nâu và em bé nhưng Trang Hý đã hát trên giai điệu của ca khúc Hàn Quốc We were in love, bản hit đình đám của nhóm nhạc T-Ara trong năm 2011. Streamer Cris Phan cũng không nằm ngoài cuộc chơi này với phiên bản kết hợp cùng ca khúc Siêu nhân cuồng phong do ca sĩ Nhật Bản Takeshi thể hiện.

Trên mạng xã hội, trào lưu phổ giai điệu của một bài cho lời của một bài khác vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngoài Chị ong nâu và em bé, còn có nhiều ca khúc nhạc thiếu nhi cũng được "nhuốm màu" thất tình như Cô và mẹ, Cháu yêu bà, Múa cho mẹ xem hay Cháu lên ba...

Câu hỏi đặt ra, bài hát tuổi thơ nào sẽ tiếp tục được gọi tên và được các bàn tay tái chế nhào nặn tiếp theo?