largeer

Sư Tử

Sư Tử

2021-11-22 09:55:00

Nhân rộng mô hình sản xuất và chế biến tỏi đen

Với mong muốn làm ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, bảo vệ sức khỏe người dân, chị Hoàng Kim Hạnh (ngụ xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã xây dựng ý tưởng, thực hiện mô hình sản xuất và chế biến tỏi đen cùng các sản phẩm liên quan, như: Tỏi đen mật ong, rượu tỏi đen... Sản phẩm hiện có tiềm năng phát triển cao, được thị trường đón nhận.

Báo An Giang thông tin, sản phẩm này được đánh giá cao tại Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần V-2021.

Biết đến tỏi đen trong một dịp tình cờ sử dụng thử, nhận thấy đây là sản phẩm có vị dễ ăn, hương vị độc đáo, tốt cho sức khỏe nên chị Hoàng Kim Hạnh quyết định thử nghiệm trồng và sản xuất tỏi đen. Sản phẩm thử nghiệm được bạn bè, người thân đánh giá cao nên chị quyết định sản xuất - kinh doanh mặt hàng này.

Sản xuất tỏi đen không đòi hỏi quy trình phức tạp, chi phí đầu tư sản xuất không cao. Trao đổi về quy trình làm ra tỏi đen, Kim Hạnh cho biết tỏi sau khi thu hoạch hoặc mua về sẽ được ủ trong thời gian 18 ngày rồi tiến hành sấy khô trong khoảng 4 ngày là thành phẩm. Ngoài tỏi đen, chị Kim Hạnh còn nghiên cứu, chế biến thêm các sản phẩm từ tỏi đen tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Nổi bật nhất là sản phẩm: Tỏi đen ngâm mật ong và rượu tỏi đen. Các sản phẩm hiện đang được người tiêu dùng đánh giá cao, nhận được những phản hồi tích cực.

Empty

Chị Kim Hạnh đánh giá, hiện nay, tỏi nhánh và tỏi cô đơn có giá từ 20.000 - 60.000 đồng/kg, nếu chỉ sử dụng để phục vụ trong các món ăn gia vị hàng ngày thì chưa tận dụng hết các lợi ích từ tỏi mang lại. Việc sản xuất tỏi đen không tốn nhiều chi phí, dễ làm và mang lại lợi nhuận khá cao, giúp phát huy tối đa giá trị dinh dưỡng của loại củ này.

Tỏi đen có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Sản phẩm giúp điều hòa đường huyết, góp phần điều trị tiểu đường; giảm cholesterol, giảm mỡ máu; bảo vệ tim mạch, giảm tiến trình xơ cứng động mạch; tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng; phòng ngừa khối u và ung thư; nâng cao thể trạng, bồi bổ cơ thể, đặc biệt ở người cao tuổi...

Trong khi đó, sản phẩm tỏi đen ngâm mật ong giúp chữa trị cảm cúm, đau rát cổ họng, đồng thời giúp cơ thể chống lại các loại vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể... Đặc biệt, khi kết hợp tỏi đen với mật ong sẽ có tác dụng chống lại những cơn cảm cúm rất tốt; điều trị các bệnh mãn tính thường gặp ở người, như Viêm xoang, viêm mũi dị ứng và kể cả bệnh đau dạ dày...

Empty

Theo chị Kim Hạnh, tỏi đen ngâm mật ong giúp làm đẹp da cho phụ nữ. Các thành phần có trong tỏi đen được các nhà khoa học chứng minh là giúp làm chậm quá trình lão hóa nên khi tỏi đen kết hợp với mật ong sẽ giúp tạo ra hỗn hợp giúp làm đẹp da.

Hiện nay, các sản phẩm làm từ tỏi của chị Hoàng Kim Hạnh, như Tỏi đen, tỏi đen ngâm mật ong, rượu tỏi đen bán chủ yếu cho người quen ở địa phương và TP. Hồ Chí Minh. Sản lượng tiêu thụ hàng tháng từ 30-35kg (tỏi đen); từ 15-20kg tỏi đen ngâm mật ong; 20-25 lít rượu tỏi đen. Giá các sản phảm này khá cạnh tranh: Tỏi đen giá 800.000 đồng/kg, tỏi đen ngâm mật ong 1 triệu đồng/kg, rượu tỏi đen 800.000 đồng/lít, thấp hơn nhiều so với các sản phẩm khác được bán trên thị trường. Bình quân mỗi tháng, chị Kim Hạnh thu nhập trên 8 triệu đồng.

Với ưu điểm sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, không có tác dụng phụ, không chất phụ gia, phù hợp với mọi lứa tuổi, các sản phẩm tỏi đen của chị Hoàng Kim Hạnh hiện đang được thị trường đón nhận và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Các loại sản phẩm chủ yếu quảng bá, kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, như Facebook, Zalo…Thời gian tới, chị Kim Hạnh tiếp tục duy trì và phát triển sản phẩm tỏi đen, đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường cho sản phẩm giàu dinh dưỡng này.

Với tình hình thực tế hiện nay, người tiêu dùng luôn e ngại, lo sợ với các sản phẩm kém chất lượng, sử dụng hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe thì tỏi đen là một sản phẩm “Thiên nhiên không hóa chất, không độc hại” và sẽ là lựa chọn để có một sức khỏe tốt. Việc phát triển sản phẩm tỏi đen của chị Hoàng Kim Hạnh bước đầu được đánh giá khả quan, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, đồng thời mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.