largeer

Sư Tử

Sư Tử

2022-08-17 10:24:00

Cấp thiết mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Việc mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ đảm bảo cho việc kết nối giao thông từ cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đến TP.HCM và ngược lại khi sân bay này được đưa vào khai thác vào năm 2025.

* Khai thác vượt năng lực

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 được hoàn thành vào tháng 6-2016 với quy mô 4 làn xe. Từ khi đưa vào khai thác, tuyến đường cao tốc này đã đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông cho vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là giữa TP.HCM và Đồng Nai.

Theo thống kê của Bộ GT-VT, từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây liên tục tăng, trung bình khoảng 10%/năm. Chính vì vậy, đến nay, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã rơi vào tình trạng quá tải.

Việc mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là rất cấp thiết để đảm bảo kết nối giao thông cho sân bay Long Thành trong những năm tới. Ảnh: Phạm Tùng

Việc mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là rất cấp thiết để đảm bảo kết nối giao thông cho sân bay Long Thành trong những năm tới. Ảnh: Phạm Tùng

Trong khi đó, thống kê của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho thấy, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 4 làn xe đang khai thác với lưu lượng 65.000 PCU/ngày đêm, vượt quá năng lực thiết kế 48.000 PCU/ngày đêm (PCU là phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn).

Theo VEC, năm 2015, tức năm đầu đưa vào khai thác, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây phục vụ gần 10 triệu lượt phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, đến năm 2019, số lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đã đạt khoảng 16,5 triệu lượt. Hiện nay, trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, nhất là đoạn từ quốc lộ 51 về TP.HCM. Tình trạng kẹt xe diễn ra trầm trọng nhất vào các dịp lễ, Tết khi lượng phương tiện lưu thông gia tăng đột biến.

Mới đây, tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GT-VT, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm tổ chức cuộc họp riêng để chỉ đạo giải quyết các tuyến đường giao thông, trong đó có dự án Mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây phục vụ sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động. Bởi, nếu không sớm tổ chức sẽ không kịp thời điểm sân bay đi vào hoạt động.

Theo quy hoạch, đảm nhận vai trò kết nối giao thông cho sân bay Long Thành giai đoạn 1 với TP.HCM sẽ có 2 tuyến kết nối chính thông qua đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường tỉnh 25C. Trong khi dự án mở rộng đường tỉnh 25C hiện nay vẫn chưa được triển khai thì việc sớm thực hiện mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là rất cấp bách nhằm kết nối giao thông cho sân bay Long Thành khi thời điểm sân bay này được đưa vào khai thác đang ngày càng đến gần.

Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Vũ Thế Phiệt cho biết, theo dự báo, 80% lượng hành khách đến sân bay Long Thành sẽ có nhu cầu lưu thông, đi lại giữa sân bay này với TP.HCM và ngược lại.

* Phấn đấu hoàn thành mở rộng vào năm 2025

Với vai trò huyết mạch trong việc kết nối giao thông giữa sân bay Long Thành và TP.HCM, UBND tỉnh cũng như ACV đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ xem xét, đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ 4 làn xe như hiện tại lên 10-12 làn xe theo quy hoạch đã được duyệt trước đây.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến giao thông trục chính kết nối sân bay Long Thành sau này. Do đó, việc mở rộng quy mô tuyến đường cao tốc này sẽ đảm bảo việc kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ khi sân bay Long Thành đi vào khai thác.

Hiện nay, dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Theo dự kiến, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2025. Vì vậy, việc đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng cần được thực hiện theo lộ trình này để đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông cho sân bay Long Thành.

Theo Bộ GT-VT, vừa qua, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đề xuất phương án giao đơn vị này tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 8 làn xe. Bộ GT-VT đang chỉ đạo VEC hoàn thiện phương án nghiên cứu, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ với thời điểm hoàn thành giai đoạn 1 của dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, tức vào năm 2025, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các dự án.

Bộ GT-VT cũng đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây phạm vi từ đường vành đai 2 - TP.HCM đến nút giao Long Thành. Đồng thời, đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư mở rộng tuyến phạm vi từ nút giao An Phú tới đường vành đai 2 - TP.HCM.

Hiện nay, phạm vi từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến nút giao Long Thành đã khai thác vượt so với năng lực thông hành của tuyến. Còn phạm vi từ nút giao Long Thành đến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vẫn có thể bảo đảm khai thác với quy mô hiện hữu giai đoạn đến năm 2030.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ TP.HCM - Long Thành được quy hoạch với quy mô 10 làn xe, tiến trình đầu tư giai đoạn trước năm 2030.

Trên cơ sở đó, Bộ GT-VT cho rằng, việc nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (từ nút giao An Phú tới nút giao Long Thành) là cần thiết, phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Theo Báo Đồng Nai